EVN lo năng lực dự phòng nguồn điện cạn kiệt
Hiện công suất dự phòng cho hệ thống điện quốc gia là 20% nhưng với nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hàng năm thì khả năng nguồn điện dự phòng sẽ dần cạn kiệt nếu không có sự đầu tư đúng mức cho nguồn và lưới điện trong những năm tới, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhìn lại cơ cấu nguồn điện hiện nay thì sự lo lắng cho khả năng dự phòng điện quốc gia hoàn toàn có cơ sở bởi thủy điện lớn hầu như đã được khai thác hết, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời chưa được đầu tư đúng mức, nhiều nhà máy nhiệt điện than sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu than nhập khẩu...
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, hiện tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện quốc gia đạt 45.000 MW và với quy mô này thì hệ thống điện có năng lực dự phòng khoảng 20%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tài Anh nhận định, với mức tăng trưởng điện tiêu thụ 11-12% mỗi năm (tương đương công suất 5.000 MW tăng thêm mỗi năm), nếu không có sự đầu tư kịp thời chắc chắn khả năng dự phòng sẽ mau hết.
“Với công suất cần đầu tư đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng thì từ nay đến năm 2020 cần khoảng 7,9 tỉ đô la Mỹ để đầu tư cho nguồn và lưới điện và sau năm 2020 số tiền này càng lớn hơn”, ông Anh cho hay và cho biết thêm trong tổng nhu cầu vốn đầu tư này thì EVN có khả năng cân đối được khoảng 60-65%, còn lại phải huy động vốn vay và các nguồn xã hội hóa khác.
Năm 2016 cả nước tiêu thụ khoảng 177 tỉ kWh điện và nếu chia trên đầu người thì mỗi người tiêu thụ khoảng 1.700-1.800 kWh. Đây là mức còn thấp so với tiêu thụ điện trung bình trên thế giới khoảng 3.500 kWh/người.
Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam hiện còn thua xa nhiều nước phát triển và để bắt kịp nhu cầu này thì ngành điện chắc chắn phải có sự tăng tốc trong cuộc đua phát triển hệ thống nguồn, lưới điện trong khoảng 5-10 năm tới.
Theo một chuyên gia năng lượng, trong tổng cơ cấu tiềm năng năng lượng quốc gia, hiện nguồn thủy điện lớn cơ bản đã khai thác hết tiềm năng (chủ yếu còn lại thủy điện nhỏ để khai thác sau năm 2020), còn điện khí thì khoảng sau năm 2020 cũng bắt đầu nhập khẩu khí bổ sung cho một số nhà máy phía Nam, điện dầu chỉ đóng góp giới hạn và nhiệt điện than đang vướng phải nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về tác động đến môi trường và một khi nguồn than nguyên liệu cần cho phát điện phải nhập khẩu với số lượng lớn cũng sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện.
Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2030 khi nhu cầu điện cả nước tăng đến 506 tỉ kWh mỗi năm và năng lượng sơ cấp chỉ đáp ứng được một nửa thì nhiều khả năng Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu.
Nguồn: internet